Rau muống (danh pháp hai phần: Ipomoea aquatica) là một loài thực vật nhiệt đới bán thủy sinh thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae), là một loại rau ăn lá. Phân bố tự nhiên chính xác của loài này hiện chưa rõ do được trồng phổ biến khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Tại Việt Nam, nó là một loại rau rất phổ thông và rất được ưa chuộng.
Cây mọc bò, ở mặt nước hoặc trên cạn. Thân rỗng, dày, có rễ mắt, thường không có lông vào mùa nóng, và có lông vào mùa lạnh. Lá hình ba cạnh, đầu nhọn, đôi khi hẹp và dài. Hoa to, có màu trắng hay hồng tím, ống hoa tím nhạt, mọc từng 1-2 hoa trên một cuống. Quả nang tròn, đường kính 7-9 mm, chứa 4 hạt có lông màu hung, đường kính mỗi hạt khoảng 4 mm.
Ở Việt Nam, rau muống có hai loại trắng và tía, mỗi loại có đặc tính riêng. Cả hai loại đều có thể trồng trên cạn hoặc dưới nước. Thông thường thì người ta trồng rau muống trắng trên cạn; còn rau muống tía thường được trồng (hay mọc tự nhiên) dưới nước, nên tục gọi là rau muống đồng (hay rau muống ruộng).
Rau muống có 92% nước, 3,2% protit, 2,5% gluxit, 1% xenluloza, 1,3% tro. Hàm lượng muối khoáng cao: canxi, phốtpho, sắt. Vitamin có caroten, vitamin C, vitamin B1, vitamin PP, vitamin B2.
Từ rau muống, cách đơn giản nhất là luộc lên. Và tùy theo từng vùng, người ta có thể chấm với nước mắm, xì dầu, chao, mắm tép và tương (đặc biệt là tương Bần). Nước của rau muống luộc cũng thường được người dân Việt Nam uống pha với chanh sau bữa ăn. Ngoài rau muống luộc, còn có rau muống xào tỏi (có thể gia chút mắm tôm theo truyền thống); làm nộm rau muống với lạc rang giã dập, giấm, đường, tỏi, ớt; gia vào canh riêu cua hoặc canh cua khoai sọ thay cho rau rút, ăn với lẩu gà, làm rau muống nướng. Cũng thường thấy rau muống được chẻ ra ăn sống với các loại rau thơm khác. Mỗi cách đều có hương vị riêng và tùy sở thích của từng vùng, từng miền mà cách chế biến có khác nhau. Khuyến cáo: rau muống ăn sống phải được rửa kỹ, ngâm nước muối hoặc nước ozone để khử trùng.
Tại Việt Nam xưa đã từng có loại rau muống được nuôi trồng rất cầu kỳ bằng cách cho ngọn rau mọc cuộn trong những chiếc vỏ ốc rỗng, để lấy những ngọn rau muống trắng nõn và mập mạp làm thức ăn….
Tuy nhiên trước tình trạng thực phẩm bẩn đáng lo ngại như ngày nay, người tiêu dùng không yên tâm khi mua rau muống ở chợ hay ở siêu thị. Họ chủ yếu tư trồng phục vụ nhu cầu của mình và của gia đình. Đó cũng chính là xu hướng lành mạnh của người dân thành thị nhằm phát huy tác dụng của rau sạch, góp phần bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thành phố xanh sạch đẹp. Các bước trồng và chăm sóc không quá khó nhằn nếu bạn theo dõi đoạn dưới đây:
Chuẩn bị trồng rau muống trong thùng xốp
Để trồng rau thì trước hết phải chuẩn bị phân bón, đất đai và những dụng cụ trồng
Thùng xốp: Thùng xốp bạn có thể tân dụng những hộp xốp của nhà mình, xin hàng xóm, tốt hơn nữa là bạn có thể mua tại các cửa hàng. Sau khi mua về, nên khoét lỗ dưới đáy để thoát nước.
Đất dinh dưỡng: Đất Tribat, giá thể nền hữu cơ, hoặc hỗn hợp đất phù sa và phân trùn quế. Chuẩn bị giá thể hữu cơ: Trộn hỗn hợp đất phù sa và phân trùn theo tỷ lệ 50% đất phù sa + 50% phân trùn (hoặc 50% đất Tribat, giá thể nền hữu cơ). Đổ hỗn hợp đất phù sa và phân trùn vào chậu trồng rau cách miệng chậu 2cm.
Phân bón: Vì chúng mình đang muốn trồng rau sạch theo kiểu canh tác hữu cơ nên tốt nhất chỉ nên chuẩn bị những loại phân hữu cơ đã được ủ hoai. Bạn có thể mua phân chuồng đã ủ hoai tại các vùng quê chuyển lên hoặc cũng có thể tự ủ phân hữu cơ từ rác thải tại nhà.
Hạt giống, dụng cụ làm cỏ, thùng tưới nước có vòi hoa sen.
Có 2 phương phát trồng bằng thân và bằng hạt. Tuy nhiên, hiện nay phổ biến cách trồng bằng hạt hơn. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng bán hạt giống hoặc siêu thị.
Rau muống có thể gieo thẳng xuống, nhưng tỷ lệ nảy mầm không quá cao. Chính vì vậy, người ta thường lựa chọn ủ hạt giống trước khi gieo.
Cách trồng rau muống trong thùng xốp
Bước 1: Làm đất
Trước khi trồng rau 1 tuần, bạn cần làm sạch và xới đất cho tơi xốp. Trộn đất với phân hữu cơ, xơ dừa, tro trấu và phơi đất để diệt hết các loại mầm bệnh. Bón lót thêm phân chuồng, super lân, kali sunfat với đất.
Bước 2: Gieo hạt
Ngâm hạt giống trong nước ấm theo tỷ lệ 2 phần nước ấm, 3 phần nước nguội trong vòng 3-6 tiếng. Sau khi vớt hạt ra khỏi nước tiếp tục ủ ấm trong khăn giấy ẩm khoảng 6-10 giờ cho đến khi thấy hạt nứt.
Gieo hạt thành hàng theo khoảng cách 10-15cm. Sau khi gieo hạt xong, tiến hành tưới nước cho cây bằng vòi phun nhẹ, tưới ngày 2 lần. Dù lưới che phủ hoặc mang thùng vào nơi ít ánh sáng. Khi cây con ra được 2-3 cặp lá là có thể đem cây ra ngoài có ánh nắng.
Gieo hạt hoặc giâm cành đều được!
Bước 3: Chăm sóc
Tưới nước
Sau khi cây con được 2-3 cặp lá, hòa 8-10g phân hữu cơ với 4 lít nước và tiến hành tưới cho cây. Cứ 10-15 ngày lại tiến hành tưới 1 lần. Mùa khô ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Mùa mưa tưới ít hơn.
Bón phân, làm cỏ
Trồng rau muống cũng không cần phải bón phân thường xuyên, chỉ cần bổ sung phân đạm, lân và urê để giúp rau muống phát triển tốt.
Ở giai đoạn rau muống con có từ 3 – 4 lá thì thường có hiện tượng lá nhạt màu hay bị vàng lá, vấn đề này là do thiếu đạm và rễ chưa phát triển, vì vậy bạn cần bón phân cho rau bằng cách pha một lượng phân lân và urê rồi tưới đều trên rau muống vào buổi chiều mát vào buổi sáng hôm sau cần tưới xả lại.
Bón phân lần 2 cách lần 1 từ 10 – 15 ngày, pha lượng phân NPK hoặc phân DAP với nước rồi tưới đều trên rau muống lúc chiều mát.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Dịch hại chính trên rau muống là: Ốc bươu vàng, sâu khoang, rầy, bệnh gỉ trắng, đốm lá, tuyến trùng…
Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp đối với dịch hại rau muống sẽ hiệu quả cao như vệ sinh đồng ruộng, bắt ốc, ngắt bỏ ổ trứng ốc, sâu khoang. Biện pháp che phủ bạt nilon trong mùa mưa, bón phân cân đối có hạn chế ngăn ngừa bệnh hại rau muống có hiệu quả.
Trong mùa mưa nên trồng trong nhà lưới giúp cho cây có khả năng chống bệnh tốt hơn.
Khi sâu bệnh có mật số cao có thể gây hại dùng thuốc BVTV như sau:
– Đối với sâu khoang: Dùng các loại thuốc ít độc như nhóm Abamectin, các loại chế phẩm vi sinh: thuốc có nguồn gốc từ Bt như Biocin, Depel…, có nguồn gốc NPV như Vicin, Seba… hoặc dùng thuốc thảo mộc như Rotenone hoặc Neem. Có thể dùng thuốc gốc Cúc tổng hợp như Sumicindin, Karate, SecSaigon, Sherzol, Sherpa.
– Đối với rầy hại: Dùng Butyl, Trebon, Actara, Oshin…
– Đối với bệnh: có thể dùng Monceren, Ridomyl MZ, Mexyl-MZ, Hạt vàng Thio-M.
Lưu ý: Khi dùng thuốc BVTV phải đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly. Không dùng các loại thuốc cấm, nhớt cặn trên rau muống.
Bước 4: Thu hoạch