Bí đỏ còn gọi là bí ngô, bí rợ, tên khoa học là Cucurbita pepo, họ bầu bí. Từ xa xưa ông cha ta đã biết dùng ngọn bí, hoa bí, quả bí (cả quả non và quả chín) để chế biến thức ăn hằng ngày và lấy hạt bí để trị bệnh giun, sán.
Trong số các loại quả, bí đỏ là nhà vô địch về hàm lượng sắt, giàu vitamin, muối khoáng cũng như các axít hữu cơ. Axit ascorbin có trong bí đỏ giúp tránh cảm, vitamin nhóm B giúp đấu tranh với mệt mỏi, cáu giận và mất ngủ, củng cố tóc và móng chân, tay.
Vitamin A trong bí đỏ giúp cải thiện thị giác. Ruột và hạt bí đỏ có chứa nhiều vitamin E – một loại antioxidant tự nhiên giúp củng cố hệ miễm nhiễm, ngăn ngừa sự xuất hiện những nếp nhăn sớm, bảo vệ da khỏi lão hóa và cải thiện chức năng hệ tim mạch.
Còn 2 loại vitamin khác trong bí đỏ là vitamin K và T. Đây là những loại vitamin hiếm, có rất ít trong các thực phẩm. Vitamin K cần thiết để tổng hợp protit của máu và mô xương. Vitamin T giúp làm đông máu và tạo các tế bào máu. Nhờ đó vitamin T rất quan trọng trong việc ngăn ngừa một số dạng thiếu máu.
Vitamin T cũng giúp cho quá trình tăng trao đổi chất trong cơ thể. Nhờ hàm lượng cao loại vitamin T hiếm hoi này trong bí đỏ nên nó được coi là chất độn tốt nhất cho các món ăn từ thịt bò, heo và các món có nhiều mỡ khác, bởi vì vitamin T giúp tiêu hoá các thức ăn khó tiêu và ngăn ngừa béo phì. Chính do tính chất này nên những người muốn giảm cân rất thích bí đỏ.
Tuy nhiên, trước tình trạng thực phẩm bẩn như hiện nay, rất nhiều người lo sợ và đã tự trồng bí đỏ tại nhà để đảm bảo an toàn. Bạn có thể trồng trong thùng xốp, trồng bằng dung dịch thủy canh, trồng trên sân thượng, trên ban công, trước hiên nhà,… nhưng trồng bí đỏ trong thùng xốp vẫn phổ biến nhất. Nếu bạn chưa biết cách trồng như thế nào thì có thể tham khảo các bước dưới đây nhé:
Chuẩn bị trồng bí đỏ trong thùng xốp
Để trồng rau thì trước hết phải chuẩn bị phân bón, đất đai và những dụng cụ trồng
Thùng xốp: Thùng xốp bạn có thể tân dụng những hộp xốp của nhà mình, xin hàng xóm, tốt hơn nữa là bạn có thể mua tại các cửa hàng. Sau khi mua về, nên khoét lỗ dưới đáy để thoát nước.
Đất dinh dưỡng: Đất Tribat, giá thể nền hữu cơ, hoặc hỗn hợp đất phù sa và phân trùn quế. Chuẩn bị giá thể hữu cơ: Trộn hỗn hợp đất phù sa và phân trùn theo tỷ lệ 50% đất phù sa + 50% phân trùn (hoặc 50% đất Tribat, giá thể nền hữu cơ). Đổ hỗn hợp đất phù sa và phân trùn vào chậu trồng rau cách miệng chậu 2cm.
Phân bón: Vì chúng mình đang muốn trồng rau sạch theo kiểu canh tác hữu cơ nên tốt nhất chỉ nên chuẩn bị những loại phân hữu cơ đã được ủ hoai. Bạn có thể mua phân chuồng đã ủ hoai tại các vùng quê chuyển lên hoặc cũng có thể tự ủ phân hữu cơ từ rác thải tại nhà.
Dụng cụ làm cỏ, thùng tưới nước có vòi hoa sen.
Cách trồng bí đỏ trong thùng xốp
Gieo hạt
Trước khi gieo hạt, cần ngâm hạt giống trong nước sạch 3-5 tiếng rồi đãi sạch, sau đó ủ cho hạt nứt mầm rồi đem đi gieo.
Gieo hạt giống đã ngâm ủ vào bầu ươm, mỗi bầu 1 hạt, sau đó phủ thêm một lớp đất mỏng lên trên để che phủ hạt. Tưới nước thường xuyên mỗi ngày với lượng vừa phải.
Cấy cây con: Sau 18-20 ngày gieo, cây con sẽ cao được 8-10cm và có 1-2 lá thật, thân cứng ,không bị sâu bệnh hại. Lúc này bạn có thể đem cấy vào thùng xốp.
Làm đất: Cho đất trồng vào đầy thùng xốp, thùng xốp trồng cây cần có lỗ thoát nước để chống ngập úng cho cây. Sau đó nhẹ nhàng lấy cây con từ bầu ươm ra để trồng qua thùng xốp.
Chăm sóc
Tưới nước: Cần tưới đủ nước cho cây mỗi ngày, không để cây bị khô hạn hay ngập úng. Khi cây đạt độ dài khoảng 1 mét thì nên vun đất thêm cho cây để giúp cây phát triển rễ phụ.
Tỉa lá: Trong thời gian ra trái thì bạn nên tỉa bớt những nhánh phụ của cây chỉ nên chừa lại 2-4 nhánh chính khỏe mạnh để giúp cây tập trung nuôi trái. Những lá bí bị vàng úa cũng cần được tỉa bỏ để tránh nấm bệnh.
Thụ phấn: Cây bí đỏ có tỉ lệ hoa đực nhiều hơn hoa cái gấp 20 lần và có thời gian ra hoa sớm hơn hoa cái vài ba ngày, nên tỉ lệ thụ phấn để đậu trái là rất ít. Vì vậy để đạt năng suất cao cần thụ phấn nhân tạo cho cây, bằng cách ngắt hoa đực, bỏ hết đài và cánh hoa rồi quét nhị đực lên nướm vòi nhụy.
Làm cỏ, bỏ phân và phòng ngừa sâu bệnh hại là công đoạn không thể thiếu ở bước chăm sóc cây bí đỏ trong thùng xốp. Mỗi cây chỉ nên để 1-3 trái tùy vào độ phì của đất và khoảng cách trồng. Chỉ cần các mẹ lưu ý là chúng ta đang hướng đến loại thực phẩm hữu cơ, sạch từ đất trồng, nước nôi đến cây giống. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ hay thuốc trừ sâu. Trừ trường hợp, sâu bệnh hại quá nhiều và ngày càng lây lan thì chị em có thể sử dung những loại thuốc trong điều kiện cho phép.
Một số sâu bệnh hại chính trên bí đỏ:
– Sâu đất, tuyến trùng: Xử lý đất trước khi trồng bằng Basudin 10H lên hốc gieo, hoặc sau khi cấy rải quanh gốc.
– Sâu xanh: Sherpa, Cyperan, Sumicidin, Delphin… phun khi sâu tuổi còn nhỏ, kết hợp diệt sâu và trứng bằng tay.
– Nhóm chích hút : Bọ trĩ, rầy xanh, nhện : Sagomycin, Actara, Confidor, Supracide, Mospilan, SK99, Bascide, Fenbis theo nồng độ khuyến cáo.
– Sâu vẽ bùa: Neem, Ofunack, Triggard, SK99, Fenbis, Sagosuper, Dragon vào lúc sáng sớm.
– Bệnh sương mai: Mancozeb, Carbendazim, Dipomate, Carbenzim, Mexyl MZ phun sớm khi bệnh vừa mới xuất hiện.
Thu hoạch
Khoảng 30 ngày sau khi đậu trái thì bạn có thể thu hoạch bí đỏ non để ăn, tuy nhiên quả non không để được lâu. Nếu muốn cất giữ lâu thì nên để quả thật già, khi vỏ đã cứng và có màu vàng. Để bảo quản lâu thì sau khi thu hoạch quả già bạn hãy cắt bỏ cuống rồi bôi vôi vào mặt.
Khi quả già thì chúng ta có thể để dành năm sau ặn lấy hạt giống, nấu cháo, nấu chè và chế biến món ăn ngon như thường từ bí đỏ nhé!